MÃ TRƯỜNG: DMS
Mã Ngành: 7340405D
|
|
TỔ HỢP XÉT TUYỂN
A00, A01, D01, D96
|
Ngành Hệ thống thông tin quản lý là gì?
Hệ thống thông tin quản lý được hiểu là quy trình kết nối các thành tố bên trong tổ chức, bao gồm con người, quy trình kinh doanh, hệ thống máy tính, thiết bị phần cứng và giải pháp phần mềm nhằm giúp các tổ chức vận hành hiệu quả đồng thời tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thương trường. Chuyên viên Hệ thống thông tin quản lý phải là những người am hiểu công nghệ và nắm vững quy trình kinh doanh.
Ngành Hệ thống thông tin quản lý (Management Information Systems - MIS) là ngành học giao thoa giữa công nghệ thông tin và kinh doanh và quản lý. Chính vì vậy, học ngành hệ thống thông tin quản lý, người học sẽ không chỉ được học những kiến thức về hệ thống thông tin như lập trình, quản trị cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu, … mà còn được trang bị thêm về những kiến thức liên quan tới quản trị, kế toán, tài chính, kinh tế, marketing, … Đồng thời, với sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghệ số như hiện này, người học có thể tiếp cận thực tế với các hệ thống thông tin hiện đại đang được triển khai tại các doanh nghiệp trong thực tiễn. Chính vì vậy, ngành HTTT quản lý đang được đánh giá là ngành tiềm năng, đặc biệt trong thời kỳ cách mạng số như hiện nay. Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành HTTT quản lý sau khi ra trường có rất nhiều cơ hội việc làm, khả năng mở rộng ngành nghề trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế hiện đại.
Ra trường làm gì?
Với những đặc trưng nổi bật của ngành HTTT QL, chương trình đạo tạo không ngừng được cải tiến để phù hợp với xu thế phát triển chung. Chính vì vậy, cơ hội việc làm, khả năng phát triển nghề nghiệp cho Sinh viên tốt nghiệp sau khi ra trường rất thuận lợi
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhận các vị trí công việc như: chuyên viên triển khai dự án, lập trình viên, chuyên viên quản trị hệ thống thông tin, chuyên viên quản trị cơ sở dữ liệu. Sau thời gian tích lũy kinh nghiệm có thể đảm nhiệm các vị trí như chuyên viên phân tích nghiệp vụ (Business Analyst), chuyên viên phân tích hệ thống (Systems Analyst), chuyên viên phân tích dữ liệu, lập trình viên cao cấp, quản lý dự án (Project Manager), trưởng phòng CNTT. Bên cạnh đó sinh viên sẽ có triển vọng để đảm nhiệm vị trí cấp cao như Giám đốc thông tin (Chief Information Officcer - CIO) ở các tổ chức, doanh nghiệp. Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp có thể tiếp tục học nâng cao trình độ ở các bậc sau đại học để làm công tác giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.
Học MIS tại UFM có gì đặc biệt?
Tại Trường đại học Tài chính – Marketing, Khoa Công nghệ thông tin tự hào là một trong những Khoa chuyên ngành đầu tiên đào tạo chuyên ngành MIS tại TP. HCM. Hoà nhịp cùng xu thế phát triển chung và kịp thời nắm bắt nhu cầu thực tiễn của xã hội, Khoa đào tạo hai chuyên ngành: Tin học quản lý và Hệ thống thông tin kế toán. Đây được đánh giá là hai ngành có khả năng ứng dụng và mở rộng cơ hội nghề nghiệp rất cao bởi đặc trưng trong việc xây dựng chương trình đào tạo kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh và quản lý – xu thế phù hợp với nhu cầu thực tiễn của xã hội. Để đảm bảo chất lượng đầu ra cũng như đào tạo đội ngũ nhân lực đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, hoạt động giảng dạy được đầu tư kỹ lưỡng từ chương trình đào tạo đến phương pháp tiến hành. Những ưu điểm nổi bật cũng chính là thế mạnh trong việc tổ chức và giảng dạy chuyên ngành HTTT QL tại UFM là:
Thứ nhất, toàn bộ các môn học chuyên ngành học trực tiếp 100% trên máy tính. Các môn học chuyên ngành đều tập trung vào việc thực hành và hình thức đánh giá là đồ án môn học. Đây là 1 sự thay đổi lớn về hình thức đánh giá. Thay vì đánh giá qua 1 bài thi cuối học kì gói gọn trong thời gian chỉ 90 đến 120 phút thì người học được hướng dẫn thực hiện đồ án ngay từ đầu môn học, giúp họ nâng cao ý thức tự học, tự nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của giảng viên và hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia, doanh nghiệp liên kết đào tạo tại Khoa. Điều này góp phần gia tăng hàm lượng kiến thức từ lý thuyết gắn liền với thực tiễn, giúp người học có thể trực quan hoá được kiến thức tiếp nhận và có thể định hướng được nghề nghiệp trong tương lai.
Thứ hai, phần lớn các môn học chuyên ngành có sự tham gia đào tạo, hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia nhiều kinh nghiệm đến từ các doanh nghiệp lớn như SmartPro, Geso, NashTech, Bravo, TMA, Misa, Rosy, … thông qua các hình thức đa dạng như: DN báo cáo chuyên đề, hội thảo; các buổi tham quan giới thiệu tại DN và tại lớp học. Điều này giúp SV có thể định hướng rõ ràng hơn về nghề nghiệp trong tương lai thông qua các hình thức trực tiếp trao đổi cùng các chuyên gia để tìm hiểu thêm về cơ hội nghề nghiệp, về các khối kiến thức phù hợp với nhu cầu thực tiễn cũng như các kỹ năng khác cần trang bị khi muốn ứng tuyển vào một vị trí việc làm cụ thể …
Thứ ba, hàng năm Khoa CNTT tổ chức cho SV đi tham quan trực tiếp tại các doanh nghiệp, giúp SV tiếp cận và làm quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp. SV sẽ được tham gia các đợt tham quan này ngay từ khi học năm thứ 1. Điều này giúp SV có thể tiếp cận được với các kinh nghiệm thực tế, cơ hội được trải nghiệm công việc thực tế tại DN đồng thời cũng tăng cơ hội việc làm cho SV sau khi ra trường.
Thứ tư, SV được thực hành trực tiếp trên các phần mềm, hệ thống mô phỏng do DN tài trợ.
Hiện nay Khoa đã kí kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp, các DN này sẽ tiếp nhận SV thực hành nghề nghiệp, thực tập nghề nghiệp. Các đề tài khóa luận TN của SV sẽ do doanh nghiệp giao đề tài và tham gia hướng dẫn, đánh giá cùng với các GV. Ngoài ra thì hàng năm các DN cũng trao tặng nhiều phần học bổng cho SV của khoa. Các SV thực tập tốt sẽ được DN tuyển dụng và trả lương ngay khi thực tập
Thứ năm, CTĐT ngành HTTQL tại UFM được thiết kế dưới sự tham vấn của các chuyên gia giàu kinh nghiệm của các doanh nghiệp, tham khảo chương trình đào tạo trong và ngoài nước cung cấp cho SV những kiến thức nền tảng của kinh tế như: kinh tế vi mô, nguyên lý kế toán, quản trị học, quản trị khách hàng, quản trị chuỗi cung ứng, quản trị bán hàng, Marketing kỹ thuật số, quản trị chiến lược. Đồng thời đào tạo các kiến thức kỹ năng chuyên sâu về CNTT tập trung vào phân tích thiết kế khai thác dữ liệu, phát triển hệ thống thông tin trên nền tảng các ngôn ngữ lập trình hiện đại và phổ biến tại VN cũng như trên thế giới.
Thứ năm, Trường và Khoa thường xuyên tiếp nhận và cập nhật kịp thời thông tin nhu cầu tuyển dụng từ các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phù hợp với các lĩnh vực ngành nghề. Hoạt động kết nối mối quan hệ bền vững với cựu sinh viên sau khi ra Trường cũng mang lại rất nhiều cơ hội và tiềm năng mở rộng chuyên môn cho cả SV đang học, mới tốt nghiệp hoặc đã tốt nghiệp trước đó.
Ngoài ra, bên cạnh khối kiến thức chuyên ngành, CTĐT được thiết kế lồng ghép với việc đào tạo các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tự nghiên cứu, giải quyết vấn đề và các kỹ năng mềm khác hỗ trợ cho công việc sau này.
BAN TƯ VẤN TUYỂN SINH KHOA CNTT